Đề xuất đầu tư hoàn chỉnh cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang từ năm 2023

Dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang giai đoạn 1 đang triển khai vẫn đáp ứng được tiến độ đề ra - Ảnh minh họa

Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h được đề xuất thực hiện từ năm 2023.

Tiến độ đang bám sát kế hoạch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phương án đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang giai đoạn 1 đang triển khai vẫn đáp ứng được tiến độ đề ra - Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang giai đoạn 1 đang triển khai vẫn đáp ứng được tiến độ đề ra – Ảnh minh họa

Văn bản nêu rõ: Quyết định số 1768 ngày 6/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) với chiều dài 40,2 km. Trong đó, đoạn đường đi qua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dài 11,63 km, đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ 28,57 km.

Dự án sẽ được đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m (4 làn xe cơ giới), vận tốc thiết kế 80km/h.

Theo phương án này, tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.271 tỷ đồng. UBND tỉnh Tuyên Quang được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện toàn bộ dự án.

Thông tin từ Bộ KH-ĐT, dự án đường cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là 2.100 tỷ đồng.

Hiện, ngân sách TƯ đã hỗ trợ 100% vốn cho dự án (năm 2020 là 500 tỷ đồng, năm 2021 là 450 tỷ đồng, năm 2022 là 1.075 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến bố trí 75 tỷ đồng); ngân sách địa phương chưa bố trí.

Sau đó, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2275 ngày 31/12/2020 và Quyết định số 426 ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh từ hình thức BOT sang đầu tư công, chia dự án thành 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện năm 2020-2023 sẽ GPMB quy mô hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 17m. Bề rộng mặt đường 11m với 4 làn xe.

Ở giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư với bề rộng mặt đường sẽ được đầu tư 14m (4 làn xe cơ giới), thực hiện sau năm 2025. Với phương án này, tổng mức đầu tư lên gần 3.713 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 3.253 tỷ đồng; giai đoạn 2 là gần 460 tỷ đồng).

“Báo cáo đến hết tháng 7/2022 của UBND tỉnh Tuyên Quang cho thấy, dự án có tiến độ thực hiện tốt, đã tổ chức đấu thầu xong 29/30 gói thầu, gồm cả đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ước thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2022 đến ngày 30/9 đạt 850 tỷ đồng/1.075 tỷ đồng.

Dự kiến, đến ngày 31/12/2022, dự án sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Giai đoạn 1 của dự án cũng được dự kiến hoàn thành vào năm 2023 theo đúng tiến độ phê duyệt”, Bộ KH-ĐT thông tin.

Trên cơ sở phân tích các khó khăn trong việc điều chỉnh dự án trong lúc đang triển khai thực hiện, Bộ KH-ĐT kiến nghị triển khai đầu tư dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang với quy mô hoàn chỉnh từ năm 2023 - Ảnh: VGP.

Trên cơ sở phân tích các khó khăn trong việc điều chỉnh dự án trong lúc đang triển khai thực hiện, Bộ KH-ĐT kiến nghị triển khai đầu tư dự án cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang với quy mô hoàn chỉnh từ năm 2023 – Ảnh: VGP.

Đầu tư quy mô hoàn chỉnh từ năm 2023

Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 311 ngày 29/9/2022 về việc điều chỉnh dự án, nâng quy mô dự án lên 4 làn xe cơ giới, vận tốc tối đa 100km/h và giao UBND hai tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang là cơ quan chủ quản đầu tư đối với đoạn đường đi qua trên địa bàn tỉnh, Bộ KH-ĐT đánh giá sẽ gặp một số khó khăn.

Cụ thể, tại Quyết định số 426 ngày 6/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục là cơ quan chủ trì quản lý dự án (thực hiện toàn bộ Dự án).

Trường hợp thực hiện theo phương án điều chỉnh tách dự án tổng thể thành 2 dự án và giao 2 địa phương là cơ quan chủ quản độc lập thực hiện sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục đầu tư như: lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và xây dựng, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới; tổ chức thẩm định, trình phê duyệt; trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm của hai địa phương; Điều chỉnh kế hoạch thực hiện dự án, lập thêm Ban Quản lý dự án, nghiệm thu quyết toán khối lượng thực hiện bàn giao lại; trình Thủ tướng Chính phủ phân cấp các địa phương là cơ quan có thẩm quyền.

Việc tách dự án cũng làm tăng số lượng dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã báo cáo Quốc hội.

“Hơn nữa, dự án đang có tiến độ triển khai thực hiện tốt, đã được bố trí 100% số vốn ngân sách Trung ương và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2023. Nếu dừng lại để điều chỉnh các nội dung đang triển khai thực hiện, dự án sẽ gặp khó khăn, kéo dài thủ tục đầu tư và thời gian thực hiện, giải ngân”, Bộ KH-ĐT phân tích và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt giao UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai hoàn thành giai đoạn 1 của dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Đồng thời, giao Bộ GTVT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án kỹ thuật, đầu tư hoàn chỉnh dự án với quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, theo hướng bao gồm cả 2 làn đường dừng khẩn cấp, đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc theo quy định.

UBND tỉnh Tuyên Quang được đề xuất là cơ quan thực hiện rà soát chủ trương đầu tư theo hướng lập hồ sơ dự án để triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án trong năm 2023 với quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100 km/h theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nam Khánh

Nguồn : https://baomoi.com/de-xuat-dau-tu-hoan-chinh-cao-toc-phu-tho-tuyen-quang-tu-nam-2023/c/44192377.epi

Leave a Reply

Your email address will not be published.