Từ tuổi thơ cơ cực đến nông dân xuất sắc ở vùng cao Sơn La

Từ tuổi thơ cơ cực đến nông dân xuất sắc ở vùng cao Sơn La

– Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em lại có một tuổi thơ cơ cực, nhưng không khuất phục số phận, nông dân xuất sắc Hàng A Sở nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Từ tuổi thơ cơ cực đến nông dân xuất sắc ở vùng cao Sơn La

Ông Hàng A Sở – một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Ảnh: Sùng Long

Những ngày thu tháng 8.2022, trên cao nguyên Mộc Châu với những đồi chè xanh bát ngát, những đồi mận bạt ngàn, PV Báo Lao Động đã có dịp gặp gỡ ông Hàng A Sở (dân tộc Mông, sinh năm 1955, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) – một trong 100 nông dân tiêu biểu Việt Nam năm 2022.

Khi chúng tôi đến, người đàn ông dân tộc Mông với dáng người cao ráo, nước da rám nắng, giọng nói khản đặc đang đeo con dao mũi nhọn – nét đặc trưng của người đàn ông người Mông vùng cao Sơn La – đang tỉ mỉ, chăm chút cho vườn cây ăn quả của gia đình.

Rót chén trà nóng, mùi thơm phảng phất khắp gian nhà, ông  Sở chậm rãi kể: “Tôi sinh ra trong gia đình có 11 anh chị em, bố mẹ lại nghiện thuốc phiện nên cuộc sống khó khăn lắm.

Để có bữa ăn qua ngày, tôi cùng các anh chị phải lên rừng đào củ mài, đào xong, bụng đói chân tay bủn rủn, cứ nghĩ mình sẽ chết vì đói”.

 

Ông Hàng A Sở với cây mận được tỉa và chăm sóc đúng kỹ thuật cho năng suất cao. Ảnh: NVCC

Theo ông Sở, sau khi học xong lớp 4, ông được gọi đi học tại Trường Sư phạm ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, bố mẹ đã bắt ở nhà lấy vợ.

Trong ký ức của lão nông người Mông, khi đó có chiếc xe u oát đến đón, thâm tâm ông rất muốn đi nhưng đã bị lời nói của bố mẹ ngăn lại.

“Bố mẹ tôi còn dọa nếu tôi đi học thì họ chết, tôi không nhìn thấy đâu. Nếu ngày đó được đi học thì giờ tôi đã trở thành thầy giáo hoặc đang công tác tại một cơ quan nào đó chứ không vất vả như bây giờ” – ông Sở tiếc nuối.

Nhiều năm sau đó, người thanh niên Hàng A Sở lập gia đình và quyết tâm làm kinh tế để thoát cái đói, cái nghèo.

Chia sẻ về hành trình tay trắng làm giàu, ông Sở tâm sự: “Người Mông đất đai rộng lớn nhưng lại không biết cách làm, quanh quẩn với cây ngô, cây lúa nên cuộc sống người dân cứ mãi đói nghèo.

Mỗi khi có dịp xuống thị trấn, thành phố, tôi luôn để ý cách làm kinh tế của người Kinh, học hỏi họ từ cách làm, cách nghĩ cho lâu dài”.

Áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống tưới nước tự động được ông Sở lắp đặt và đưa vào sử dụng   giúp giảm sức lao động.

Áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống tưới nước tự động được ông Sở lắp đặt và đưa vào sử dụng giúp giảm sức lao động.

Qua trò chuyện được biết, ngay từ những năm 1989, khi cây mận hậu bắt đầu bén rễ với đất Mộc Châu, người nông dân này đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng hàng trăm gốc mận.

Sau 3-4 năm chăm sóc, cây mận đã cho thu quả, tuy nhiên lại khó khăn trong vấn đề đầu ra, nên một lần nữa người dân lại chặt bỏ cây mận để quay sang trồng cây lương thực. Lúc đó, chỉ còn duy nhất gia đình ông Sở kiên định với loại cây này.

Năm 2009, Viện Bảo vệ thực vật triển khai Dự án đốn, tỉa, chăm sóc mận (Dự án Asodia) tại huyện Mộc Châu. May mắn, gia đình ông Sở được các chuyên gia người Pháp trong dự án hướng dẫn kỹ thuật tỉa đốn, chăm sóc, bón phân cho cây mận.

Kể về quá trình tái sinh cho những cây mận, ông Sở nói: “Khi được các chuyên gia Pháp hướng dẫn kỹ thuật, tôi gọi hàng trăm hộ dân người Mông trồng mận trong bản đến học hỏi.

Đến nơi, bà con thấy cán bộ kỹ thuật cầm cưa cắt, tỉa những cành mận cao to của vườn nhà tôi, ai cũng bảo đây là dự án lừa dân. Họ mắng tôi rồi kéo nhau bỏ về hết, chỉ còn tôi và cán bộ kỹ thuật của dự án”.

Được vài ba năm sau, vườn mận nhà ông Sở được trẻ hoá, quả mận khi thu hái to, đẹp, sai và ngon nên được nhiều thương lái thu mua, giá cao gấp đôi các vườn khác.

 

Ông Sở chăm sóc những gốc mận đã hàng chục năm tuổi.

Bên cạnh việc trồng mận, hiện ông Sở cũng đang có gần 1 ha cam đường canh 8 năm tuổi. Mỗi năm, nguồn lợi thu được từ vườn mận và cam đường canh lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Đánh giá về mô hình trồng cây ăn quả của ông Hàng A Sở, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Mộc Châu cho biết: “Không chỉ là Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân tâm huyết, nhiệt tình, ông Sở còn là một điển hình trong sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của địa phương”.

Bên cạnh việc làm kinh tế, ông còn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên nông dân tiểu khu Pa Khen thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Để công nhận những nỗ lực của lão nông người Mông cần cù, chịu khó, các cấp chính quyền đã trao tặng cho ông Sở nhiều bằng khen, giấy khen. Gần đây nhất, ông vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Nguồn : https://laodong.vn/nguoi-viet-tu-te/tu-tuoi-tho-co-cuc-den-nong-dan-xuat-sac-o-vung-cao-son-la-1086699.ldo

Leave a Reply

Your email address will not be published.