Thanh Hóa mạnh tay ‘siết’ giá vật liệu xây dựng

Thanh Hóa tăng cường quản lý về giá VLXD

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu định kỳ hàng quý tổng hợp kết quả kê khai giá của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất để đăng tải lên chuyên mục ‘Công khai giá vật liệu xây dựng’.

Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (đất san lấp, cát) cao hơn nhiều so với công suất khai thác, cung ứng cho thị trường; có nhiều mỏ cát, mỏ đất không hoạt động theo giấy phép khai thác được cấp;

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không phối hợp cung cấp báo giá cho cơ quan nhà nước, việc niêm yết giá bán, báo giá chênh lệch so với giá bán thực tế; các doanh nghiệp còn lúng túng trong việc kê khai yếu tố cấu thành giá… Từ đó, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá bán, bán đúng giá niêm yết đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác, kinh doanh VLXD trên địa bàn quản lý.

Thanh Hóa tăng cường quản lý về giá VLXD

Thanh Hóa tăng cường quản lý về giá VLXD

Hướng dẫn việc kê khai, tiếp nhận Biểu mẫu kê khai giá hàng hóa dịch vụ đặc thù đến các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất VLXD (đất, cát, đá) trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Tài chính và của Sở Xây dựng.

Đồng thời kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các đơn vị thuộc diện phải kê khai giá hàng hóa dịch vụ đặc thù không thực hiện kê khai và niêm yết giá theo quy định.

Định kỳ hàng quý (trước ngày 25 tháng cuối quý) tổng hợp kết quả kê khai giá của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất VLXD (đất, cát, đá) trên địa bàn tỉnh; gửi văn bản về Sở Xây dựng và Sở Tài chính để đăng tải lên chuyên mục “Công khai giá VLXD” trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài chính và làm hồ sơ khảo sát Công bố thông tin giá VLXD.

Phối hợp với Chi cục Thuế khu vực thu thập thông tin hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) xuất bán của các doanh nghiệp trên địa bàn để làm căn cứ khảo sát và xác định giá VLXD… nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh…

Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tham khảo công bố thông tin giá VLXD tại các mỏ đất, đá, cát do Liên Sở Xây dựng – Tài chính công bố; thông tin các mỏ VLXD được cấp phép do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp; giá VLXD tại các tỉnh lân cận để xác định giá xây dựng công trình theo đúng quy định hiện hành.

Trước đó, Chuyên trang Gia đình và xã hội đã đưa tin, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các doanh nghiệp xây lắp tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, TP. Thanh Hóa… đều lâm vào tình cảnh khó khăn vì giá VLXD tăng cao.

Được biết, mới đây nhất liên Sở Xây dựng và Tài chính, khu vực TP. Thanh Hóa công bố, cát bê tông 215.000 đồng/m3; cát trát 225.000 đồng/m3; đá 1×2 chỉ 180.000 đồng/m3…

Việc công bố giá VLXD thấp hơn so với thị trường khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn

Tuy nhiên, theo khảo sát giá thị trường, giá cát xây, trát 400.000 đồng/m3, cát nền 250.000 đồng/m3. Tại huyện Quảng Xương, giá theo công bố cát xây, trát 267.800 đồng/m3, thực tế giá thị trường 350.000 đồng/m3 (chưa thuế VAT); cát bê tông giá công bố 289.200 đồng/m3, giá thị trường 350.000 đồng/m3 (chưa thuế giá trị gia tăng).

Tại huyện Quan Hóa giá công bố là 245.000 đồng/m3, thực tế thị trường 400.000 đồng/m3; cát nền thông báo 165.000 đồng/m3… Trong khi đó, hầu hết các ban quản lý dự án từ tỉnh đến huyện đều căn cứ vào giá công bố của Sở Xây dựng làm căn cứ mời thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán các công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Một doanh nghiệp tại huyện Như Thanh chia sẻ, hiện nay Công ty TNHH Anh Việt Hương, đóng trên địa bàn huyện đang bán giá đá 1×2 là 354.000 đồng/m3; đá 2×4 có giá 329.000 đồng/m3; đá 4×6 giá 304.000 đồng/ m3. Trong khi giá liên sở công bố giá đá 1×2 chỉ 180.000 đồng/m3; đá 2×4 giá 150.000 đồng/m3; đá 4×6 chỉ 141.000 đồng/m3.

Như vậy, doanh nghiệp phải bù lỗ giá chi phí vật liệu xây dựng gấp 2 lần giá Nhà nước công bố.

Việc công bố giá VLXD hàng tháng, hàng quý không sát với thực tế giá thị trường, cùng với việc khan hiếm đất, cát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiến độ của các công trình, dự án của doanh nghiệp thực hiện các gói thầu có sử dụng vốn Nhà nước, khiến không ít các dự án rơi vào tình cảnh làm “cầm chừng” do lỗ nặng, nguy cơ phá sản.

Nguồn: https://baomoi.com/thanh-hoa-manh-tay-siet-gia-vat-lieu-xay-dung/c/46775281.epi

Leave a Reply

Your email address will not be published.