Bắc Giang: Cần xử lý dứt điểm những vụ phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế tại huyện Sơn Động

Hiện trường vụ phá rừng tại khu vực Giộc Cả, giáp ranh giữa xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử.

 Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi phá rừng tại khu Giộc Cả, tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang), các cá nhân vi phạm vẫn lén lút lấn chiếm đất để trồng rừng kinh tế. Hành vi này cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Hiện trường vụ phá rừng tại khu vực Giộc Cả, giáp ranh giữa xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử.

Hiện trường vụ phá rừng tại khu vực Giộc Cả, giáp ranh giữa xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử.

Theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian qua, tại khu vực Giộc Cả, giáp ranh giữa thôn Náng, xã Thanh Luận và tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử (cùng huyện Sơn Động) tiếp tục xảy ra những vụ phá và lấn chiếm đất rừng tự nhiên.

Nhằm xác minh sự việc, cuối tháng 7 vừa qua, phóng viên Báo Bắc Giang cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Động, đại diện UBND thị trấn Tây Yên Tử đã đến hiện trường.

Tại đây, hàng chục cây gỗ có đường kính gốc từ 10-30 cm, dài từ 4-10 m nằm chỏng chơ, nhiều cây bị cháy đen. Diện tích bị đốt, phá rộng hơn 1,7 nghìn m2. Một số hộ đã tự ý trồng keo lên khu vực này.

Người dân đã trồng bạch đàn lên diện tích rừng tự nhiên bị phá.

Người dân đã trồng bạch đàn lên diện tích rừng tự nhiên bị phá.

Theo đồng chí Triệu Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động, đây là rừng tự nhiên nghèo kiệt, trước kia giao cho các hộ quản lý, bảo vệ có thời hạn, nay đã hết hạn và giao cho UBND thị trấn Tây Yên Tử quản lý.

Rừng bị phá từ tháng 4/2022. Ngày 20/4/2022, Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Huế (SN 1981) và ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1984), cùng trú tại thôn Náng, xã Thanh Luận, tổng số tiền 25 triệu đồng về hành vi phá rừng.

Trong đó, bà Huế bị phạt 5 triệu đồng vì phá 450 m2 rừng; ông Huệ bị phạt 20 triệu đồng vì phá 1,3 nghìn m2. Đồng thời buộc bà Huế và ông Huệ phải trồng rừng và cây bản địa (không trồng keo, bạch đàn) hoặc thanh toán chi phí trồng lại đến khi thành rừng theo suất đầu tư áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính trên diện tích bị phá.

Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, bà Huế và ông Huệ không trồng cây bản địa mà cuối tháng 7 vừa qua đã trồng bạch đàn. Đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Tây Yên Tử cho biết, bà Huế và ông Huệ là con ông Nguyễn Văn Khê, trú tại thôn Náng.

Đại diện UBND thị trấn Tây Yên Tử và kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác định thời gian người dân trồng bạch đàn trên đất rừng bị phá.

Đại diện UBND thị trấn Tây Yên Tử và kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác định thời gian người dân trồng bạch đàn trên đất rừng bị phá.

Tháng 7/2021, ông Khê cũng bị xử phạt vi phạm hành chính 11 triệu đồng vì hành vi phá rừng, buộc ông phải trồng cây bản địa lên diện tích rừng bị phá. Tuy nhiên, gia đình ông Khê đã trồng keo, hiện cây cao ngập đầu người.

Đồng chí Phạm Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần mời ông Khê bà Huế và ông Huệ đến trụ sở làm việc; giải thích và yêu cầu gia đình ông Khê không được vi phạm. Ông Khê và các con đã viết giấy cam kết không phá rừng nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.

Đầu tháng 8/2022, UBND thị trấn sẽ tiếp tục mời bà Huế và ông Huệ ra làm việc, yêu cầu di dời toàn bộ số cây keo đã trồng và phải trồng cây bản địa vào khu vực rừng đã bị xâm hại.

Việc để gia đình ông Khê liên tục phá rừng tự nhiên trong thời gian dài, bất chấp pháp luật nhưng không được xử lý triệt để cho thấy chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa sát sao. Trước vụ việc này, các bên cần phối hợp đưa ra chế tài đủ mạnh nhằm răn đe, xử lý hành vi phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên, tránh gây bức xúc trong nhân dân, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/388354/can-xu-ly-dut-diem-nhung-vu-pha-rung-tu-nhien-de-trong-rung-kinh-te-tai-huyen-son-dong.html

Leave a Reply

Your email address will not be published.