Đắk Nông quy hoạch phát triển 11 đô thị

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông tập trung vào ba khâu đột phá, phát triển 11 đô thị; nêu rõ ba vùng động lực trong quy hoạch, bốn hành lang kinh tế, bốn nền tảng chính.
Ngày 5-4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đắk Nông quy hoạch phát triển 11 đô thị ảnh 1

Khu dân cư ở TP Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ảnh: TNT

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia, cho biết Đắk Nông là tỉnh thứ 31 trong cả nước và là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện để hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, quy hoạch tỉnh Đắk Nông sau khi được phê duyệt cần tạo được dấu mốc giúp tỉnh kiến tạo tương lai. Quy hoạch tạo tiền đề để tỉnh đột phá bền vững, sáng tạo. Quy hoạch phải biến tiềm năng thành động năng và cao hơn là nguồn lực, động lực cho phát triển.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, quy hoạch tỉnh này tập trung vào ba khâu đột phá, phát triển 11 đô thị. Quy hoạch nêu rõ ba vùng động lực trong quy hoạch, bốn hành lang kinh tế, bốn nền tảng chính trong thực hiện quy hoạch.

Trước đó, tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Quy hoạch được chia thành năm phần, gồm 41 đề mục, thể hiện 16 nội dung theo quy định. Đây là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông tổ chức lấy ý kiến từ nhiều cơ quan chức năng, người dân liên quan đến quy hoạch tỉnh. Tỉnh đã tổ chức hai hội thảo khoa học, bốn đợt lấy ý kiến để gửi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Quy hoạch đã đươc lấy ý kiến 21 bộ, cơ quan ngang bộ, năm tỉnh liền kề vùng Tây Nguyên.

7 quan điểm phát triển

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, quy hoạch tỉnh này bao gồm bảy quan điểm phát triển.

Đó là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, toàn diện; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới. Tỉnh sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần kinh tế số, chuyển đổi số.

Phát triển tập trung vào các đô thị trọng điểm, các tiểu vùng.

Kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tôn trọng dựa vào địa hình, tự nhiên; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực.

Bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích nghi, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và thiên tai.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published.