Đồng Nai: Nấm linh chi đỏ được trồng thử nghiệm thành công

Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai) vừa nghiên cứu thành công mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai ở Đồng Nai. Công trình này sẽ mở ra triển vọng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng chục nghìn hộ dân đang nhận khoán trồng và giữ rừng phòng hộ tại địa phương.

Tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ

Tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ

Nấm Linh chi đỏ có tính dược liệu cao và rất nhiều hoạt chất có hàm lượng dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, sau khi khai thác nấm, thì rễ cây tự hoại trong đất trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng hữu cơ cực kỳ tốt, góp phần bảo vệ đất, nước và môi trường.

Vào năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã tiến hành trồng thử nghiệm 300 phôi nấm linh chi tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Kết quả, nấm linh chi đỏ sinh trưởng và thu hoạch sản phẩm nấm đạt chất lượng cao.

Tháng 11/2020, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai”  Chi cục Kiểm lâm đã ký hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài này. Kết quả nghiên cứu đã xác định được nguyên liệu tạo phôi giống, xây dựng kỹ thuật trồng và sản xuất cũng như sơ chế và bảo quản nấm linh chi sau thu hoạch.

Sau nghiên cứu và thử nghiệm loại nấm linh chi đỏ hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại Đồng Nai. Do đó, việc trồng loại cây này dưới tán rừng rất đơn giản, chỉ tưới nước, giữ ẩm cho cây vào mùa khô.

Nấm Linh chi đỏ có tính dược liệu cao và rất nhiều hoạt chất có hàm lượng dinh dưỡng.

Nấm Linh chi đỏ có tính dược liệu cao và rất nhiều hoạt chất có hàm lượng dinh dưỡng.

Được biết, tỉnh Đồng Nai có diện tích rừng trên 176.000 ha (tỷ lệ che phủ rừng chiếm khoảng 30%), trong đó 97.000 ha rừng đặc dụng, 35.000 ha rừng phòng hộ và 36.000 ha rừng sản xuất. Đây là mô hình canh tác tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Nếu nhân rộng mô hình này sẽ giải quyết được “bài toán” tạo sinh kế dưới tán rừng. Từ đó, giúp bảo vệ, phát huy giá trị diện tích đất rừng.

Hiện tại, ngành Lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai đang thực hiện cho trên 12.000 hộ dân nhận khoán trồng rừng với diện khoảng 27.000 ha. Việc kinh doanh phát triển rừng sản xuất và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm là mục tiêu Ngành Lâm nghiệp Đồng Nai đang hướng đến.

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/

Leave a Reply

Your email address will not be published.