Thanh niên dân tộc Kháng ở Sơn La thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

thanh nien dan toc khang o son la thoat ngheo nho thay doi tu duy hinh anh 1

Ở xã vùng cao Mường Giôn thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, anh Lò Văn Quốc, dân tộc Kháng ở bản Mấc Líu là người tiên phong đi đầu trồng cây ăn quả trên đất dốc và chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Mô hình kinh tế của gia đình anh mang lại hiệu quả kinh tế, được nhiều bà con trong vùng học tập, làm theo, thoát nghèo vươn lên.

Lấy vợ, ra ở riêng tự lập cuộc sống trên mảnh đất cha mẹ để lại, dù vợ chồng anh Quốc rất chịu thương, chịu khó làm nương ngô, nương sắn quanh năm, nhưng cuộc sống của gia đình vẫn khó khăn, thiếu thốn do đất bạc màu.

Mong muốn thoát khỏi đói nghèo trên chính đồi đất quê mình, anh Quốc đã cất công đi nhiều nơi trong tỉnh, tham khảo nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng nhãn ghép ở huyện Sông Mã, trồng mận hậu ở Mộc Châu… để về áp dụng vào sản xuất trên thửa đất của gia đình mình.

thanh nien dan toc khang o son la thoat ngheo nho thay doi tu duy hinh anh 1

Anh Lò Văn Quốc với mô hình nuôi bò nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, anh là người đầu tiên ở bản Kháng Mấc Líu mua 30 cây mận hậu về trồng trên đất dốc. Tích luỹ kinh nghiệm qua nhiều năm, bây giờ anh tự tách chiết, ghép cành nhân giống được 500 gốc mận hậu; 200 gốc nhãn cho thu hoạch. Để tạo bóng mát, tăng độ ẩm cho đất, anh Quốc lại tiếp tục trồng xen kẽ bưởi da xanh trên 5.000m2 đất trồng mận, nhãn. Ngoài ra, anh còn trồng xen kẽ cam, quýt, xoài… với diện tích lên đến 2,5 ha, cùng 2,5 ha Lê mới trồng, 1 ha cây sa nhân tím.

Anh Quốc chia sẻ: “Tôi chỉ học đến lớp 2, nên không biết chữ, nhưng tất cả việc chăn nuôi, trồng trọt đều do mình tự học hỏi ở nhiều địa phương khác, tích luỹ kinh nghiệm. Có thể nói, tôi là người mạnh dạn làm trước việc đưa giống cây trồng mới vào sản xuất ở bản này.

thanh nien dan toc khang o son la thoat ngheo nho thay doi tu duy hinh anh 2

Một góc vườn đồi cây ăn quả của gia đình anh Lò Văn Quốc.

Để cây trồng không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng, thì bản thân phải luôn chăm chỉ, chịu khó, kiểm tra, phun thuốc trừ sâu định kỳ. Hàng năm, thấy gia đình có thu hoạch từ cây ăn quả, nên bà con bản trên, xóm dưới đều đến tham khảo, học tập kinh nghiệm”.

Trước đây, gia súc của nhà anh và dân bản đều nuôi thả rông trong rừng. Anh Quốc nhận thấy cách thức chăn nuôi này vừa mất công người đi chăn hết cả nửa ngày mới về, không có thời gian dành cho chăm sóc cây ăn quả, trâu bò lại bị vắt, ruồi, muỗi đốt, cắn sinh bệnh… Trăn trở suy nghĩ, anh đã quyết định chuyển đàn bò về nuôi nhốt gần nhà để tiện chăm sóc, tiếp đó là trồng 5.000m2 cỏ voi, trồng chuối, dự trữ rơm rạ để làm thức ăn cho bò.

Áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc gia súc, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có trên dưới chục con bò đực, mỗi năm xuất bán bò thịt, rồi lại tiếp tục mua bò nhỡ về nuôi.  Phân bò thu gom được thì tận dụng để bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí cho gia đình, trái cây trồng được lại ăn ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị cho cây trồng.

thanh nien dan toc khang o son la thoat ngheo nho thay doi tu duy hinh anh 3

Quầy hàng tạp hoá phục vụ bà con tại gia đình anh Lò Văn Quốc ở bản Mấc Líu.

“Mùa hè, gia đình quét dọn phân bò sạch sẽ mỗi ngày 2 lần sáng, chiều, không để phân, nước thải bò đọng thành vũng, tránh ruồi nhặng bâu, trú ngụ sinh bệnh. Mùa đông giá rét, lấy vải bạt bao quanh chuồng, rải rơm rạ, trấu xuống nền chuồng để bò ngủ ấm. Việc tiêm phòng thì theo hướng dẫn của cán bộ thú ý. Xem cán bộ thú y hướng dẫn một lần, thì những lần tiếp theo, tôi tự đi mua thuốc về tiêm phòng, điều trị theo từng loại bệnh” – anh Quốc cho biết.

Từ trồng cây ăn quả trên đất dốc kết hợp chăn nuôi, mở hàng bán tạp hóa, mỗi năm gia đình anh Quốc có thu trên dưới 200 triệu đồng. Anh làm được nhà ở khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Quốc còn luôn chia sẻ cách trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế; tạo điều kiện cho bà con trong bản có hoàn cảnh khó khăn ứng trước phân bón, cây con giống để sản xuất kịp thời vụ, đến mùa thu hoạch mới thanh toán. Với sự góp sức của anh Quốc, cùng nỗ lực của bà con dân bản, cả Bản Kháng Mấc Líu giờ chỉ còn 10 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo trong tổng số 125 hộ toàn bản.

thanh nien dan toc khang o son la thoat ngheo nho thay doi tu duy hinh anh 4

Có tích lũy từ mô hình kinh tế, gia đình anh Lò Văn Quốc đã làm được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Ông Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản Mấc Líu, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: “Gia đình anh Quốc là hộ đầu tiên ở bản dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là đưa cây mận hậu, xoài ghép, cây lê, trồng cỏ voi, nuôi bò nhốt chuồng.

Từ mô hình của gia đình anh Quốc, nhiều gia đình trong xã, bản đã đến học tập và làm theo. Đến nay, hầu hết nhà nào cũng trồng cây ăn quả, và hơn 10 hộ đã phát triển mô hình nuôi bò nhốt chuồng thành công. Chủ trương cuả bản trong thời gian tới là tiếp tục vận động bà con nhân dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nuôi trâu bò nhốt chuồng, mở rộng diện tích trồng cỏ voi, trồng cây lê…”.

Theo ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, xã đã và đang tiếp tục nhân rộng các tấm gương dám nghĩ dám làm, cùng những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa bàn, trong đó có cách làm của hộ gia đình anh Lò Văn Quốc giúp bà con học tập làm theo để vươn lên.

“Theo đánh giá, có khoảng 50% số hộ trong toàn xã Mường Giôn có cuộc sống khá trở lên. Đây là những tấm gương để nhân rộng, trong đó ở bản Mấc Líu có gia đình anh  Lò Văn Quốc. Hiện tại hộ anh Quốc được coi là hộ có kinh tế ổn định nhất bản Mấc Líu và được bà con học tập, nhân rộng” – ông Học cho biết.

Với những đóng góp của mình, anh Lò Văn Quốc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen Nông dân có nhiều thành tích trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Tòng Anh/VOV-Tây Bắc

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thanh-nien-dan-toc-khang-o-son-la-thoat-ngheo-nho-thay-doi-tu-duy-post1017882.vov

Leave a Reply

Your email address will not be published.